Đại sứ quán Australia
Việt Nam

2013DAP attachment B - VN

PHỤ LỤC B

HƯỚNG DẪN CHO CÁC DỰ ÁN CỦA
CHƯƠNG TRÌNH TÀI TRỢ TRỰC TIẾP (DAP) 2014-2015

 

DAP

Chương trình Tài trợ Trực tiếp (DAP) là một chương trình cho các dự án nhỏ được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) do Đại sứ quán Australia tại Hà Nội quản lý. Phương châm của DAP là giảm khó khăn và khuyến khích phát triển thông qua việc tài trợ tối đa 210 triệu đồng cho mỗi dự án phát triển quy mô nhỏ, với mục đích cụ thể, được tiến hành trong một khung thời gian xác định, ở những cộng đồng gặp khó khăn tại Việt Nam.
Riêng với một số dự án phức tạp ở tầm cao hơn có thể xin tài trợ tối đa 630 triệu đồng.

Đại sứ quán Australia phụ trách các dự án DAP ở Bắc Trung Bộ từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra. Các dự án ở Nam Trung Bộ, tính từ Đà Nẵng trở vào do Tổng lãnh sự quán Australia tại thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệm.

Các đơn vị/cá nhân thích hợp cho việc xin tài trợ

Quỹ của DAP dành cho các cá nhân, các tổ chức cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoặc Việt Nam, viện đào tạo, viện nghiên cứu, thư viện, bảo tàng hoặc các tổ chức tham gia vào các hoạt động phi lợi nhuận, liên quan tới phát triển cộng đồng.

Hồ sơ và Thời gian nộp hồ sơ

Đại sứ quán sẽ thông báo chính thức tiếp nhận đề xuất trong chương trình DAP vào ngày 21 tháng 8 năm 2014. Quá trình xét duyệt sẽ được tiến hành làm 2 giai đoạn – Giai đoạn Sơ tuyển các đề xuất và Giai đoạn xét duyệt hồ sơ hoàn chỉnh được tuyển chọn. Hạn nhận đơn Đề xuất xin tài trợ là ngày 12 tháng 09 năm 2014. Các dự án được sơ tuyển sau đó sẽ được yêu cầu để nộp Hồ sơ hoàn chỉnh.

Chúng tôi dự kiến thông báo cho các dự án được duyệt tài trợ vào tháng 11 năm 2014.

Các dự án được duyệt tài trợ phải có tính thực thi trong một khoảng thời gian ngắn, và phải được hoàn thành và quyết toán vào cuối năm tài chính mà dự án đó được duyệt. Dự án phải tuân thủ thời hạn hoàn thành như trong hồ sơ xin xét duyệt, trong trường hợp dự án không thể hoàn thành theo đúng thời hạn đề ra, chủ dự án phải thông báo cho Đại sứ quán để thảo luận tiến triển của dự án để Hội đồng DAP quyết định việc yêu cầu hoàn trả lại số tiền tài trợ.

Những dự án thích hợp với DAP

Tiêu chuẩn cơ bản là tất cả các dự án phải có mục tiêu cụ thể trong việc giảm khó khăn, cho mục đích phát triển cho người dân thuộc dạng khó khăn. Một số lĩnh vực có thể nhận được tiền tài trợ bao gồm: giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục, môi trường, nhân quyền, phát triển nông thôn, cải thiện hậu quả thiên tai, kế hoạch hóa gia đình, các vấn đề về phụ nữ và trẻ em và giữ gìn bản sắc văn hoá.

Những dự án mang lợi ích phát triển cụ thể cho đối tượng khó khăn hoặc chú trọng đào tạo kỹ năng và đem lại công ăn việc làm còn được mở rộng thêm trong lĩnh vực hoạt động và dụng cụ thể thao; và hội thảo đào tạo.

Sau đây là ví dụ về một số dự án đã nhận được tài trợ của quỹ DAP trong các năm gần đây :-

  • Xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp thích nghi với khí hậu khô hạn ở vùng cát ven biển Quảng Trị
  • Nâng cao nhận thức để cải thiện cuộc sống cho trẻ em mắc các bệnh mạn tính ở Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc
  • Nâng cấp trường mẫu giáo ở Hà Nam
  • Cung cấp trang thiết bị và kỹ thuật phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại Nghệ An
  • Xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho một làng dân tộc thiểu số ở Quảng Bình

Xin chú ý, các dự án về kế hoạch hóa gia đình và sức khoẻ sinh sản phải tuân theo các quy định của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT). Các thông tin này có thể được tìm thấy trên các trang thông tin điện tử: http://www.ausaid.gov.au/publications/pdf/guiding-principles.pdf. Cũng như vậy, đối với các dự án về xây dựng, chủ dự án phải thể hiện trong hồ sợ là họ hiểu các qui định, tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng, về đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động và cam kết tuân thủ các qui định này. Đối với các dự án liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, các vật liệu giáo dục (giáo trình, đề cương) cần được gửi kèm hồ sơ xin tài trợ và bằng cấp của giáo viên được chỉ ra trong hồ sơ; nếu không chủ dự án sẽ chịu chi phí đào tạo liên quan đến dự án.


Những dự án không thích hợp với DAP

Quỹ không tài trợ cho những loại dự án sau đây:

  • Xin tiền mặt
  • Các dự án tài trợ khác do chính phủ hoặc tổ chức khác thực hiện
  • Các dự án liên quan đến vay tiền theo lãi suất thấp
  • Chi phí hành chính và quản lý
  • Chi phí trả cho tư vấn, cố vấn nếu khoản chi phí này chiếm phần chính chi phí của dự án

Tiền tài trợ

Tiền tài trợ chỉ được chuyển vào tài khoản công (nghĩa là không phải tài khoản của một cá nhân), thuộc về tổ chức được nhận tài trợ.

Quyết toán

Các cá nhân, tổ chức nhận tài trợ có trách nhiệm quyết toán dự án. Các giấy tờ dùng cho việc quyết toán bao gồm báo cáo quyết toán trong đó có nêu đánh giá rõ ràng về kết quả xác thực của hoạt động dự án, hóa đơn tài chính (hoá đơn đỏ), ảnh chụp các giai đoạn của dự án. Đối với những dự án lớn và phức tạp, Hội đồng phụ trách quỹ DAP có thể yêu cầu nộp báo cáo tiến độ thi công. Hội đồng cũng có thể yêu cầu đơn vị bố trí các chuyến thăm dự án để đảm bảo tiền tài trợ được sử dụng đúng mục đích.